Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ năm, 24 Tháng 4, 2025 - 16:29

Cảnh báo tội phạm giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, thiệt hại tài sản lớn, gây dư luận xấu và ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự.

Cùng với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tình trạng tội phạm mạng sử dụng deepfake để tạo ra hình ảnh, video giả mạo giọng nói, gương mặt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần đây đang là xu hướng phổ biến.

Về cơ chế hoạt động, deepfake sử dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo tiên tiến thu thập dữ liệu về chuyển động vật lý, đặc điểm khuôn mặt và thậm chí cả giọng nói, rồi xử lý thông qua thuật toán mã hóa AI hoặc mạng đối kháng tạo sinh (GAN) để tạo ra âm thanh, hình ảnh giả nhưng vô cùng giống thực.

Nói cách khác, đó là video, hình ảnh hoặc âm thanh được tạo bằng AI, bắt chước ngoại hình hoặc giọng nói của một người. Tuy nhiên, nếu thận trọng người dùng vẫn hoàn toàn có thể nhận biết được.

Những nội dung mà công nghệ này thường bị lợi dụng bao gồm: Ghép mặt người vào những bối cảnh có toan tính riêng. Sử dụng hình ảnh và tiếng nói của một người để vượt qua mật khẩu sinh trắc học. Lừa đảo trên nền tảng kỹ thuật số. Trộm cắp danh tính, tống tiền. Đáng lo ngại hơn, khi công nghệ này ngày càng dễ tiếp cận, số vụ phạm tội có thể tăng lên.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tội phạm lừa đảo qua mạng, Bộ Công an đề nghị người dân không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch; thận trọng, rà soát, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Mỗi người nên thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; thận trọng đối với các cuộc gọi giả danh xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại...

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến cáo, để bảo vệ tiền trong tài khoản của cá nhân, tránh bị lừa đảo, người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi, trao đổi liên quan đến tiền, đến tài chính, không để lộ lọt các thông tin cá nhân, hình ảnh, dữ liệu sinh trắc học để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác.

Nguồn: Thanh Trúc (tổng hợp)