Chiều ngày 07/5/2025, bước vào ngày thứ ba Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (2) Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (3) Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tổ số 9 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Tây Ninh và Bến Tre đã thảo luận khá sôi nổi các nội dung trên.
Tham gia thảo luận tại Tổ số 9 về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Võ Văn Hội - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia góp ý một số nội dung như sau:
Đại biểu Võ Văn Hội, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Tổ.
Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Thứ nhất, về ủy quyền (Điều 14 ): Tại khoản 1, Điều 14 dự thảo Luật có quy định: “Ủy ban nhân dân ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền...”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung việc ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp vào dự thảo Luật để bảo đảm linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ khi khuyết hoặc vắng Chủ tịch Ủy ban nhân dân; giúp duy trì sự liên tục trong việc thực hiện các nhiệm vụ và công việc của cơ quan nhà nước, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp hoặc khi Chủ tịch không thể thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh (Điều 16): Tại Điều này có 16 nhiệm vụ, trong đó tại khoản 11, dự thảo luật quy định nhiệm vụ của UBND tỉnh như sau: “11. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dân tộc, tôn giáo; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và các chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương theo quy định của pháp luật”. Theo đại biểu, cụm từ: “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và các chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương theo quy định của pháp luật”, làm chưa rõ và đầy đủ, vì thực tế ở các địa phương có 3 lực lượng cụ thể gồm: lực lượng dân quân tự vệ; lực lượng dự bị động viên; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại, như sau: “11…; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các chế độ, chính sách đối với lực lượng này ở địa phương theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh (Điều 17): Tại khoản 13 Điều 17, dự thảo Luật quy định: “Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất”, đại biểu đề nghị bổ sung và điều chỉnh lại như sau: “13. Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, thảm họa tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất”để quy định được bao quát hơn.
Đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu có một số ý kiến phát biểu như sau:
Thứ nhất, về nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân (Điều 7): Tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật quy định: “Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia”, đại biểu đề nghị bổ sung và điều chỉnh quy định trên lại như sau: “1. Tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc” cho quy định được đầy đủ.
Thứ hai, về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ (Điều 8): Tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật, quy định: “Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chủ động nâng cao năng lực để thích ứng với công việc và chuyển đổi số”, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “trình độ” trước cụm từ “năng lực”, cụ thể viết lại như sau: “1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chủ động nâng cao trình độ, năng lực để thích ứng với công việc và chuyển đổi số”. Vì trình độ và năng lực là hai yếu tố rất quan trọng khi đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ và ra quyết định của các cá nhân, tổ chức, hay các cơ quan nhà nước, trong đó trình độ đóng vai trò quyết định; cán bộ, công chức phải có trình độ để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Thứ ba, về nguyên tắc tuyển dụng công chức (Điều 22): Tại khoản 4, Điều 22 dự thảo Luật quy định: “4. Ưu tiên tuyển dụng người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét bổ sung thêm đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an. Vì theo đại biểu, các đối tượng này hiện nay là những đối tượng có trình độ đại học trở lên, được rèn luyện bài bản, có thể đáp ứng yêu cầu trong công tác trong các cơ quan nhà nước.