Trong những năm gần đây, phương pháp giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) đã trở thành một xu hướng giáo dục tiên tiến. Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ tiếp thu kiến thức thông qua việc phát triển tư duy đa chiều và kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó hình thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tại huyện Châu Thành, phương pháp giáo dục STEAM đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, đặc biệt tại Trường Mầm non Khu công nghiệp (KCN) Giao Long.
Giáo viên Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long ứng dụng phương pháp STEAM vào hoạt động giảng dạy.
Trường Mầm non KCN Giao Long bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục STEAM từ năm học 2023-2024. Sau khi được tập huấn từ các cơ quan chuyên môn như Sở và Phòng Giáo dục, đội ngũ giáo viên bước đầu tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của phương pháp này. Các giáo viên không chỉ lựa chọn nội dung và hoạt động phù hợp để thực hiện thí điểm mà còn chủ động học hỏi thông qua các kênh mạng xã hội, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường. Nhờ đó, một số hoạt động tiêu biểu như khám phá khoa học, tạo hình đã được tổ chức thành công.
Hiệu trưởng Trường Mầm non KCN Giao Long Nguyễn Vương Thủy Tiên cho biết: “Để hỗ trợ quá trình triển khai, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp giáo dục này. Môi trường học tập được thiết kế lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ tự do sử dụng học liệu, khám phá và trải nghiệm, qua đó phát triển tư duy và kỹ năng”.
Qua 1 năm thực hiện đạt kết quả bước đầu khả quan. Trẻ có cơ hội làm quen với học liệu, khám phá và ôn luyện kiến thức, kỹ năng phù hợp với độ tuổi. Các giáo viên cũng dần hình thành được cách áp dụng phương pháp STEAM vào chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề vững chắc cho những bước tiếp theo. “Hiện nay, 100% chương trình giảng dạy đều đã được giáo viên lồng ghép STEAM để học sinh dễ hiểu bài và tiếp cận với vấn đề nhanh hơn”, Hiệu trưởng trường Nguyễn Vương Thủy Tiên cho biết thêm.
Dựa trên những kết quả đạt được từ việc triển khai thí điểm giáo dục STEAM tại Trường Mầm non KCN Giao Long, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành đã có những chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể cho các trường mầm non trong huyện tiếp tục lồng ghép, tích hợp phương pháp giáo dục STEAM và Montessori vào chương trình giáo dục mầm non. Các trường luôn xác định các nội dung và hoạt động có thể ứng dụng STEAM, đồng thời xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với chủ đề và độ tuổi của trẻ.
Ngoài ra, việc bổ sung học liệu và nguyên vật liệu tái chế, thiên nhiên theo mùa cũng được khuyến khích để tạo ra môi trường học tập phong phú, kích thích sự sáng tạo và khả năng khám phá của trẻ. Giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động khám phá và thể dục, áp dụng mô hình 5E (Gây hứng thú, Khám phá, Giải thích, Mở rộng, Đánh giá) để phát huy tính tích cực và chủ động của trẻ trong quá trình học tập.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành Lê Thị Hoàng Diễm, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình áp dụng phương pháp STEAM là công tác tự học, bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên. Việc nâng cao trình độ tay nghề sẽ giúp giáo viên áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển đa dạng của trẻ. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số trong giảng dạy cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Việc áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM tại huyện Châu Thành bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ giáo viên và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, phương pháp STEAM hứa hẹn sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong các năm học tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ và sự đổi mới giáo dục mầm non ở tỉnh.