Tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre có ý kiến về các nội dung trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận Tổ.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND: Đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này, nhằm sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp; rút ngắn quy trình, thủ tục bầu cử; cũng như khắc phục những vướng mắc, bất cập qua quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua đã nhận diện được trong thực tiễn. Đại biểu đã góp ý vào những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 Luật hiện hành quy định “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”.
Đại biểu cho rằng hiện nay, theo quy định hiện hành, thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu thuộc về UBND cấp xã, nhưng phải có sự phê duyệt của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, không còn tổ chức cấp huyện, việc yêu cầu phê duyệt từ cấp trên sẽ gây ra nhiều thủ tục không cần thiết, mang tính hình thức, ảnh hưởng đến tiến độ và tính kịp thời của công tác bầu cử.
Đặc biệt, với số lượng đơn vị hành chính cấp xã khá lớn, nếu vẫn giữ cơ chế phê duyệt từ cấp trên thì sẽ phát sinh thêm khối lượng công việc lớn, làm chậm quá trình tổ chức bầu cử. Vì vậy, đại biểu đồng tình với quy định trong Dự thảo luật, theo đó thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu nên được giao cho UBND cấp xã.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý điều hành thống nhất trong toàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị bổ sung nội dung “báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” vào sau đoạn “UBND cấp xã quyết định” và điều chỉnh lại quy định trên như sau: “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định và báo cáo kết quả thực hiện với UBND cấp tỉnh. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”. Việc báo cáo nhằm giúp cấp tỉnh nắm được tổng thể tình hình phân chia khu vực bỏ phiếu trên địa bàn, từ đó có thể xem xét, điều chỉnh kịp thời nếu thấy cần thiết. Nếu không có cơ chế báo cáo này, cấp tỉnh sẽ khó chủ động trong việc chỉ đạo và điều chỉnh khi phát sinh tình huống thực tế.
Thứ hai, tại Điều 7 Luật hiện hành về dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu có quy định “Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây:
1. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương”
2. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người”.
Đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ sắp tới, theo Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội thì vẫn giữ nguyên số lượng là 500 đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, với chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tới, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm còn khoảng 34.
Điều này đồng nghĩa với việc quy mô dân số và diện tích của mỗi tỉnh, thành phố sẽ tăng lên đáng kể. Tương ứng, số lượng đại biểu Quốc hội được phân bổ cho mỗi địa phương cũng sẽ có xu hướng tăng lên để đảm bảo đại diện tương xứng. Từ thực tiễn đó, đại biểu Yến Nhi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 7 về số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.
Cụ thể, nên xem xét nâng số lượng đại biểu tối thiểu từ ba người lên mức phù hợp với quy mô mới của các tỉnh, thành sau sáp nhập. Việc tăng số lượng đại biểu cư trú tại địa phương góp phần bảo đảm tính đại diện thực chất vì các đại biểu gần dân hơn, sát thực tiễn hơn và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương. Do đó, việc duy trì mức tối thiểu ba đại biểu như quy định hiện hành là chưa còn phù hợp trong bối cảnh mới.
Thứ ba, Điều 73 Luật Bầu cử hiện hành quy định về việc kiểm phiếu, theo đó quy định: “Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc…”.Tuy nhiên, theo Điều 71 Luật Bầu cử hiện hành quy định thời gian bỏ phiếu: “Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày”.
Thực tiễn tổ chức bầu cử trong các nhiệm kỳ qua cho thấy, dù tại một số khu vực, toàn bộ cử tri trong danh sách đã hoàn thành việc bỏ phiếu từ rất sớm, nhưng tổ bầu cử vẫn buộc phải chờ đến đúng thời điểm kết thúc giờ bầu cử theo quy định (từ 7 giờ tối hoặc thậm chí đến 9 giờ tối trong trường hợp được kéo dài) mới được bắt đầu kiểm phiếu. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong công tác tổ chức, đặc biệt là ở những nơi có số lượng phiếu lớn và nhân sự kiểm phiếu chủ yếu là người cao tuổi hoặc phải làm việc xuyên đêm trong điều kiện không thuận lợi. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 73 theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, trong trường hợp tất cả cử tri trong danh sách đã hoàn thành việc bỏ phiếu thì cho phép tổ bầu cử được bắt đầu kiểm phiếu trước thời điểm kết thúc giờ bầu cử. Đồng thời, tổ bầu cử vẫn cần bố trí một thùng phiếu riêng để tiếp nhận lá phiếu của các cử tri vãng lai có nhu cầu bỏ phiếu cho đến khi kết thúc thời gian bầu cử theo luật định. Việc điều chỉnh như vậy vừa đảm bảo quyền bầu cử của cử tri vãng lai, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức kiểm phiếu tại các khu vực bỏ phiếu, giúp giảm áp lực công việc, tránh tình trạng làm việc kéo dài xuyên đêm và góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác bầu cử.
Về Nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (rút ngắn 3 tháng), cũng như Nghị quyết ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 vào Chủ nhật, ngày 15-3-2026: Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung của cả hai Nghị quyết nêu trên.
Đại biểu cho tằng, việc điều chỉnh thời điểm bầu cử sớm hơn, cụ thể là vào giữa tháng 3, thay vì nửa cuối tháng 5 như hiện hành, là một chủ trương phù hợp và có tính toán kỹ lưỡng. Bởi lẽ, thời điểm tổ chức bầu cử gần hơn với thời điểm tổ chức đại hội Đảng sẽ góp phần rút ngắn khoảng thời gian giữa đại hội và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và HĐND các cấp.
Qua đó, giúp công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, việc lựa chọn ngày 15 tháng 3, một ngày Chủ nhật để tổ chức bầu cử là phù hợp theo quy định, vừa thuận tiện cho cử tri tham gia bỏ phiếu, vừa đảm bảo tiến độ tổ chức kỳ họp thứ nhất.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử, thời điểm sớm nhất có thể tổ chức kỳ họp thứ nhất là 22 ngày sau ngày bầu cử. Như vậy, nếu bầu cử diễn ra vào ngày 15 tháng 3 thì vào khoảng giữa tháng 4, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp hoàn toàn có thể tổ chức kỳ họp thứ nhất, qua đó rút ngắn hiệu quả thời gian chuyển giao nhiệm kỳ. Tóm lại, việc rút ngắn nhiệm kỳ 3 tháng và lựa chọn ngày bầu cử như nêu trên là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm tính logic về mặt thời gian và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong việc tổ chức, triển khai nhiệm kỳ mới.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Đại biểu cơ bản thống việc xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung 5 Bộ luật, Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Tòa án trong hoạt động tố tụng, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, đại biểu có góp ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự: Đại biểu cho rằng, hiện nay đang tồn tại một thực trạng đáng lưu ý trong công tác xét xử là, mặc dù nguyên tắc xét xử theo hai cấp, tức sơ thẩm và phúc thẩm, tuy nhiên sau khi có bản án phúc thẩm, phần lớn, gần như là 100% , các đương sự đều tiếp tục làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tình trạng này dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn, gây áp lực quá tải lên đội ngũ cán bộ, thẩm phán.
Các cơ quan này phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, đánh giá nội dung đơn và trả lời cho các bên liên quan, trong khi phần lớn các đơn lại không đủ cơ sở để được chấp nhận xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thực tế cho thấy cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay đang bị lạm dụng, làm giảm hiệu quả và tính dứt điểm của hệ thống tư pháp.
Do đó, đại biểu Yến Nhi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, vừa thiết lập cơ chế sàng lọc chặt chẽ hơn đối với các yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm. Cần cân nhắc các tiêu chí rõ ràng về điều kiện, căn cứ để đơn được tiếp nhận xem xét, nhằm hạn chế việc lạm dụng thủ tục này, từ đó giảm tải cho các cơ quan tư pháp và nâng cao hiệu quả xét xử, thi hành án trong thực tiễn.
Thứ hai, đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đại biểu cho rằng trong Luật hiện hành có một số quy định liên quan đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc tham gia vào các giai đoạn tố tụng liên quan đến người chưa thành niên, một nhóm đối tượng đặc thù, cần có sự bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp lần này, Hiến pháp năm 2013 đang được sửa đổi, bổ sung, trong đó một trong hai nội dung trọng tâm là điều chỉnh về hệ thống tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, cơ cấu, chức năng, vai trò và phạm vi hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội có thể sẽ có sự thay đổi nhất định. Vì vậy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiến hành rà soát, cập nhật và bổ sung các quy định có liên quan trong Luật Tư pháp người chưa thành niên để bảo đảm sự thống nhất và phù hợp với những điều chỉnh về mặt thể chế đang được định hướng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp.
Việc này là cần thiết nhằm đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là đối với lĩnh vực tư pháp dành cho người chưa thành niên vốn đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội.