Thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, một số trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mặt khác, thời tiết hiện nay đang trong mùa khô, nắng nóng gay gắt nên các loại vật liệu dễ bắt cháy dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Trước tình hình đó, việc tăng cường ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là điều cấp thiết.
Theo thống kê của ngành chức năng có hơn 70% vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xuất phát từ sự cố điện. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống điện chưa được thiết kế, lắp đặt đúng kỹ thuật, không có sự tính toán cho phù hợp với công suất tiêu thụ điện, việc câu, mắc thêm nhiều thiết bị tiêu thụ điện so với ban đầu dẫn đến quá tải. Ngoài ra, hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện đã cũ, hư hỏng, xuống cấp, sử dụng vật tư, thiết bị kém chất lượng dễ gây ra chạm, chập, phóng tia lửa điện gây cháy. Cùng với đó, một số thói quen không tốt trong sử dụng điện như: quên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cắm sạc điện thoại, sạc pin dự phòng điện thoại sạc xe máy điện bên trong nhà liên tục thời gian dài, qua đêm .v.v. làm gia tăng nguy cơ sự cố điện gây ra cháy.
Điển hình như vào khoảng 05 giờ, ngày 21/3/2025 xảy ra cháy tại nhà ông T. Ng. M, sinh năm 1965, ngụ ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Vụ cháy đã thiệt hại tài sản ước tính 70 triệu đồng và 01 người tử vong.
Sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt là nguyên nhân gây ra cháy đáng kể khác. Sự thiếu cẩn trọng trong việc đốt nhang, đèn, vàng mã khi thờ cúng làm rơi tàn nhang, tàn lửa, ngã đổ đèn gây cháy lan sang vật liệu dễ cháy liền kề (như: màn vải, giấy, chân nhang .v.v.); việc không trông coi khi nấu bếp, bật bếp nấu nhưng bỏ đi ra ngoài, quên tắt bếp sau khi dùng xong đều có thể tạo thành đám cháy nguy hiểm; hàn, cắt kim loại khi sửa chữa, cải tạo nhà cửa, vật dụng cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy, nhất là tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vì các vảy hàn, tia lửa hàn, cắt có nhiệt độ rất cao, khi chúng tiếp xúc với các vật liệu cháy thì có thể ngay lập tức tạo thành đám cháy, hoặc cháy âm ỉ ở nơi góc khuất khó phát hiện, sau đó bùng phát thành cháy lớn. Hút thuốc vứt tàn thuốc bừa bãi; đốt cỏ, đốt rác không mà không có biện pháp an toàn; để trẻ em chơi nghịch lửa .v.v. đều có thể là những nguyên nhân gây ra cháy.
Hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi các vụ cháy xảy ra tại những nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Việc tồn chứa quá nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có khoảng cách an toàn, để đồ vật tràn lan, chiếm hết đường thoát nạn, lối thoát nạn; không có sự phân chia, ngăn cháy giữa khu vực để ở, sinh hoạt với khu vực sản xuất, kinh doanh .v.v. khi cháy xảy ra sẽ dễ dàng lan nhanh, tạo thành cháy lớn, có nhiều khói, khí độc đe dọa sức khỏe, tính mạng của những người bên trong nhà và gây khó khăn cho hoạt động chữa cháy, thoát nạn.
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ đối với nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo mỗi gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú ý thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCCC, như:
Phải thường xuyên nêu cao ý thức cảnh giác PCCC trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Tìm hiểu, học tập nắm vững quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC để chấp hành, thực hiện nghiêm túc, nhất là những nội dung liên quan đến trách nhiệm, điều kiện an toàn, biện pháp phòng ngừa, biện pháp chữa cháy, thoát nạn khi có cháy xảy ra. Tích cực tham gia các "Tổ Liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy" được chính quyền địa phương vận động thành lập để sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi nhà nên chủ động tạo lối thoát hiểm thứ hai, trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có cháy.
Phải đảm bảo an toàn hệ thống điện: Cần thiết kế, lắp đặt hệ thống điện đúng tiêu chuẩn an toàn PCCC ngay từ đầu, đồng thời nâng cấp các hệ thống cũ đã xuống cấp, không sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lắp đầy đủ thiết bị bảo vệ như cầu chì hoặc aptomat (cầu dao tự động) cho từng nhánh tiêu thụ điện chính, cho từng khu vực, các máy móc công suất lớn . Dây dẫn phải chọn tiết diện phù hợp, đi dây gọn gàng, bọc cách điện chất lượng và có tiếp địa cho thiết bị theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tránh tự ý đấu nối, câu mắc thêm thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu nếu không bảo đảm khả năng tải của dây dẫn. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra đường dây, ổ cắm, thiết bị đóng cắt... để phát hiện kịp thời và thay thế những đoạn dây hở, chuột cắn, mối nối lỏng, thiết bị hư hỏng nhằm phòng ngừa chập cháy . Cần lưu ý bố trí đường dây điện, thiết bị tiêu thụ điện cách xa vật liệu dễ cháy ít nhất 0,5m – 0,7m. Không cắm sạc liên tục thời gian dài, qua đêm đối với điện thoại, pin dự phòng điện thoại, xe máy điện và cần bố trí khu vực sạc xe máy điện riêng biệt, bên ngoài nhà.
Phải bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu phải có người giám sát, tuyệt đối không để bếp hoạt động khi vắng mặt. Khu bếp nên có vách ngăn hoặc khoảng cách an toàn với các khu vực khác để lửa không lan sang nếu có sự cố. Không dùng vật liệu dễ cháy (gỗ, nhựa, mút xốp) để làm trần, vách ngăn khu bếp hoặc trang trí xung quanh bàn thờ. Nên lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ gas trong bếp sử dụng bình gas; nên dùng bếp gas loại tốt có van an toàn tự ngắt khi lửa tắt; phải tắt bếp và khóa van bình gas ngay sau khi nấu xong. Không dự trữ nhiên liệu, chất dễ cháy trong khu vực có sử dụng lửa, nhiệt cao. Khi hàn, cắt phải bố trí khu vực thông thoáng, cách biệt với vật liệu cháy, có biện pháp che chắn an toàn phù hợp và phải giám sát, kiểm tra xung quanh trong và sau khi kết thúc công việc hàn, cắt.
Phải sắp xếp vật tư, hàng hóa theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm cháy; để trên các giá, kệ vững chắc, gọn gàng, ngăn nắp. Nơi để hàng hóa, để xe máy, xe điện trong nhà phải bảo đảm không làm cản trở lối đi, lối thoát nạn, đặc biệt là tại sảnh, cửa đi, không bố trí dưới gầm cầu thang bộ. Hàng hóa dễ cháy phải có khoảng cách đến các thiết bị điện, khu vực nguồn lửa, nguồn nhiệt. Phải bố trí khu vực sản xuất, kinh doanh hợp lý, có phân chia rõ ràng và có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực sinh hoạt của gia đình. Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị số lượng bình chữa cháy đảm bảo yêu cầu diện tích bảo vệ, khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20 m.
Công tác PCCC đạt hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự bảo vệ và hành động cụ thể của mỗi người dân. Hãy luôn chú trọng, cảnh giác và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp PCCC để bảo đảm môi trường sống, làm việc an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.