Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư, 30 Tháng 4, 2025 - 05:01

Những đoàn viên, thanh niên làm rạng danh quê hương Đồng Khởi

- Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, lớp lớp người đã hăng hái lên đường sẵn sàng chiến đấu. Trong đội quân hùng hậu đó, thanh niên luôn là nòng cốt, là trụ cột. Bao anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để cho quê hương mãi một màu xanh. Sự hy sinh cao cả đó ngàn đời được đất nước, quê hương ghi tạc. Biết bao tên tuổi nam nữ thanh niên xứ Dừa anh dũng, kiên cường trong đấu tranh làm rạng danh tuổi trẻ cách mạng Việt Nam. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng.

Từ trái sang: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, Nhà thơ Lê Anh Xuân, Hoàng Lam, Anh hùng Tạ Thị Kiều.

 Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh ngày 14-4-1931, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trần Văn Ơn không những đứng đầu lớp liên tục nhiều năm học mà còn là một trụ cột của phong trào học sinh yêu nước của trường. Trung học Pestrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Trần Văn Ơn tham gia dẫn đầu phong trào học sinh, sinh viên biểu tình đòi các quyền tự do: “Trả tự do cho các sinh viên bị bắt”, “Phản đối chính sách khủng bố trong học đường”, “Đòi mở cửa trường”.

Ngày 9-1-1950, ở Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn học sinh, sinh viên đòi trả tự do cho các học sinh, sinh viên bị bắt. Thực dân Pháp và tay sai đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính lê dương bao vây khu vực biểu tình và cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Lúc này, Trần Văn Ơn đã dũng cảm dẫn đầu, lấy thân mình che chở cho các học sinh nhỏ tuổi. Anh cùng các bạn đạp đổ hàng rào giúp các nữ sinh thoát ra ngoài trước nguy cơ bị bắt. Trong cuộc đàn áp, bọn lính nổ súng, Trần Văn Ơn bị thương và hy sinh khi mới 19 tuổi.

* Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) là con của giáo sư Ca Văn Thỉnh quê ở xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày), 12 tuổi Lê Anh Xuân đi theo kháng chiến, năm 1954 anh theo gia đình tập kết ra Bắc học tập, sau đó là cán bộ giảng dạy Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1963, được Nhà nước cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng Lê Anh Xuân đã từ chối, chọn con đường trở về quê hương chiến đấu. Ngày 21-5-1968, Lê Anh Xuân đã hy sinh ở ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm ấy anh vừa tròn 28 tuổi.

Thơ anh và cuộc đời anh đều thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với nhân dân, với đồng đội. Tên tuổi anh đã tạc vào nền thơ ca Việt Nam, vào lịch sử kháng chiến của dân tộc như người anh hùng trong sáng tác của mình:

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để gì lại cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…

… Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

* Hoàng Lam tên thật là Phan Bình Trung, sinh năm 1944, là con út của một gia đình nông dân ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Từ năm 1962 đến năm 1968, Hoàng Lam đã tham gia hàng chục trận đánh, nhận chìm nhiều tàu địch ở các dòng sông trên địa bàn tỉnh. Trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đội đặc công nước do Hoàng Lam tham gia, phụ trách mũi xung kích mở đường cho bộ binh đánh vào thị xã Bến Tre, chiếm bãi đậu chiến xa (nay là khu vực Hội trường lớn UBND tỉnh). Đơn vị gặp phải mũi phản kích mạnh của địch nên hy sinh gần hết. Và anh lính Đặc công thủy Hoàng Lam đã ngã xuống tại gần cầu cù lao Dê (nay là cù lao Bình Dương, TP. Bến Tre), khi còn rất trẻ ở tuổi 25.

* Anh hùng Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý) sinh năm 1938, quê ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Tạ Thị Kiều đã tổ chức và tham gia 107 cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, chiến đấu 33 trận, diệt 7 tên địch, làm bị thương 11 tên, bắt sống 13 tên, thu 24 súng các loại. Tháng 1-1960, được phân công xây dựng phong trào, tổ chức cơ sở, gần 7 tháng ròng chị đã kiên trì vận động nhân dân, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị với địch, phát triển được 3 tổ nòng cốt trong lực lượng cách mạng, vận động được 13 gia đình binh sĩ, tuyên truyền được 4 binh lính ngụy về với nhân dân, tổ chức được 2 người khác giúp ta hoạt động…

Và còn nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà xả thân chiến đấu trong công cuộc giành độc lập tự do cho dân tộc.

Đó là Huỳnh Văn Kiếm - đoàn viên, thanh niên, nhân viên phòng giao bưu Ba Tri, mang thư khẩn đi lọt vào ổ phục kích địch. Chúng bắn gãy chân và gọi hàng. Anh đã ném trả lại chúng 1 trái lựu đạn, diệt 2 tên, bị thương 3 tên. Biết mình không sống sót, anh hủy thư và rút chốt lựu đạn gài dưới thân mình. Anh chết kéo thêm 1 tên địch chết theo.

Đó là em bé Liên mới 16 tuổi, dũng cảm một mình đi trước qua bãi mìn của địch, đưa đoàn khách đến nơi an toàn.

Đó là em Công - người phó trạm Ba Tri, khi em xin vào đơn vị mới 14 tuổi, đứng cao chưa bằng khẩu súng CKC, trong 10 năm em đã đi 680 chuyến đưa khách và chuyển thư mật…

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây non sông liền một dải. Tuổi trẻ và nhân dân ta đã thực hiện đầy đủ Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bắt đầu từ đây Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp tri ân thế hệ đi trước. Để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc; trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, từ đó khơi dậy và lan tỏa tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng lý tưởng sống, ý chí vươn lên và phát huy vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc phát huy truyền thống cách mạng và ý thức, trách nhiệm đóng góp hết sức mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

H. Anh (tổng hợp)