Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Phú Đức (1930-2023)
CHƯƠNG IV
48 NĂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 - 2023)
I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THAM GIA CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 - 1985)
(tiếp theo kỳ trước)
2. Cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội (1977-1985)
Tháng 12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa 5 năm 1976-1980.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 3-1977, Đảng bộ xã Phú Đức đã tiến hành Đại hội đảng viên Đảng bộ lần I. Đại hội đã đánh giá tình hình của xã từ năm 1975-1976, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1977-1979: thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, công thương nghiệp; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực hiện tốt nghĩa vụ lương thực, nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ quân sự đối với trên; tăng cường quốc phòng an ninh. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Huyện (Chín Cường) làm Bí thư thay đồng chí Bùi Kim Sang được điều lên huyện làm Phó Phòng Nông nghiệp, đồng chí Ngô Hồng Châu (Ba Châu), làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Sau Đại hội, tình hình trong xã cũng như toàn tỉnh gặp khó khăn lớn do thiên tai, hạn hán, sâu rầy làm cho nhiều vùng lúa trong tỉnh bị thất trắng, Nhân dân lâm vào tình cảnh thiếu đói, nhiều hộ dân Phú Đức đi vào Đồng Tháp, Cà Mau làm thuê kiếm sống. Có những hộ phải ăn độn khoai, mì, chuối (nấu lẫn với gạo) qua ngày. Chính quyền đã giải quyết trợ cấp gạo cho những hộ dân có hoàn cảnh thiếu đói, động viên Nhân dân tăng gia sản xuất, tăng vụ, lấp vụ, lựa chọn những giống lúa ngắn ngày có khả năng kháng sâu bệnh gieo trồng (như IR36, Long Định…), trồng thêm khoai, mì, cao lương.
Thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15-11-1978 và Chỉ thị số 188 của Chính phủ về xóa bỏ các hình thức bóc lột của phú nông, địa chủ, tư sản nông thôn, Đảng ủy lãnh đạo việc điều chỉnh đất đai của những hộ có nhiều đất, cấp cho những hộ không đất sản xuất; đồng thời giáo dục, vận động Nhân dân đoàn kết sản xuất, hình thành các tổ đoàn kết sản xuất.
Mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được hình thành. Hợp tác xã mua bán được thành lập do ông Nguyễn Văn Ron làm Chủ nhiệm.
Về giáo dục, được sự chấp nhận của tỉnh, xã thành lập trường cấp II (trung học cơ sở) tại ấp Phú Lễ, do cô Điệp làm Hiệu trưởng. Ban phụ huynh học sinh xã vận động Nhân dân góp tiền, xin cây bần của dân cất trường.
Trong khi Nhân dân ta đang lo khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh thì bọn phản động Pônpốt - Iêngxary gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Theo sự chỉ đạo của trên, tháng 11-1978, Xã đội đưa 1 trung đội du kích do đồng chí Hồ Văn Paul chỉ huy tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Lực lượng của xã đóng ở Mũi Tàu, rồi lên Tà Keo làm nhiệm vụ bảo vệ phía sau. Ngày 7-1-1979, Campuchia được giải phóng. Tháng 2-1979, lực lượng của xã được trên cho trở lại địa phương.
Vừa đưa lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, Đảng ủy lãnh đạo củng cố lực lượng Công an, du kích xã, xây dựng ở mỗi ấp 1 tiểu đội du kích, thường xuyên tổ chức canh gác bảo vệ địa bàn. Lợi dụng tình hình chiến tranh biên giới, bọn phản động trong nước tìm cách câu móc, nhen nhóm tổ chức, chống phá cách mạng. Tại xã, năm 1979, bọn phản động vừa mới nhen nhóm hình thành tổ chức Thanh niên Chí nguyện Phục quốc, bị Công an tỉnh phát hiện, bắt 3 tên (tên Dưỡng, tên Xã và tên Hoanh; riêng tên Hoanh là người được chúng cài vào Công an xã).
Công an xã đã bắt nhiều vụ cướp, vượt biên trái phép như vụ tên Ngô Văn Đường, Nguyễn Văn Ngãi là những tên tổ chức vượt biên, cướp tài sản của dân.
Tháng 3-1979, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần II nhiệm kỳ 1979-1981, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ do đồng chí Bùi Kim Hữu (8 Bình Minh) làm Bí thư, đồng chí Trần Quang Thế làm Phó Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh việc tập trung thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Sau đại hội Đảng bộ, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, vụ lúa năm 1979 trúng mùa, nạn thiếu đói được khắc phục. Sau khi có nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Đảng (khóa IV) chủ trương cho sản xuất bung ra, xóa bỏ các trạm kiểm soát theo kiểu ngăn sông, cấm chợ; hàng hóa nông sản được tự do lưu thông, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, Đảng ủy xã thành lập Ban cải tạo nông nghiệp, chọn ấp Phú Tường làm điểm xây dựng tập đoàn sản xuất nông nghiệp đầu tiên, ấp Phú Hội làm diện, tiến hành vận động, giáo dục Nhân dân vào làm ăn tập thể. Kết quả, đã thành lập 01 tập đoàn Phú Tường. Năng xuất lúa bình quân 16-17 giạ/công/vụ. Mỗi năm làm 02 vụ lúa. Khi vào tập đoàn, xã cho các hộ nông dân tự điều chỉnh đất đai theo bình quân ruộng đất của xã, do đó, khi tập đoàn rã, ít xảy ra tranh chấp đất đai.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xã vận động các nhà che đường vào các tổ hợp tác. Năm 1980, xã có 7 nhà che vào tổ hợp tác chế biến đường.
Ban Thông tin Văn hóa xã đã tổ chức tuyên truyền đường lối, chính sách đến người dân, phối hợp với huyện tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ.
Ngành giáo dục thực hiện cải cách giáo dục, thực hiện dạy tốt, học tốt. Công tác phổ cập cấp I được quan tâm, chính quyền, đoàn thể động viên con em đi học văn hóa. Đảng ủy đã lựa chọn một số cán bộ, con em gia đình thuộc thành phần cơ bản đưa đi học bổ túc văn hóa, đi học tại trường Thanh niên Cộng sản để tạo nguồn cán bộ về sau.
Trạm y tế xã phát động Nhân dân thực hiện 3 dứt điểm vệ sinh công cộng, phòng trừ sốt rét, dịch bệnh.
Cuối năm 1979, Ban Thương binh xã hội đã tổ chức quy tập hài cốt của các liệt sĩ còn nằm rải rác ở các nơi gom về nghĩa trang xã ở ấp Phú Định.
Thực hiện Chỉ thị 83 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) về việc phát thẻ đảng viên, Đảng bộ xã bình xét và đề nghị trên cấp thẻ đảng cho đảng viên. Tấm thẻ đảng màu đỏ nhắc đảng viên luôn nhớ giữ gìn phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản.
Khoảng tháng 7-1981, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ III (nhiệm kỳ 1981-1983). Đại hội đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp; thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với trên; tăng cường quốc phòng, an ninh. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Nhân (Chín Nhân) làm Bí thư, đồng chí Ngô Hồng Châu làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Cuối năm 1982, đồng chí Nguyễn Văn Bé (Nguyễn Anh Hoàng (Tư Hoàng)) làm Bí thư.
Từ ngày 27 đến 31-3-1981, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa.
Đảng bộ đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Với quan điểm nông nghiệp là mặt trận sản xuất hàng đầu, Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất ruộng và đất vườn. Để nâng cao đời sống Nhân dân, chính quyền, đoàn thể vận động Nhân dân thực hiện 5 tầng sinh thái, mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), ngoài trồng trọt phát triển thêm chăn nuôi gà, vịt, tôm càng xanh, các loại cá nước ngọt, nuôi ong mật… Thời gian này, một số hộ dân ở Phú Đức trồng tiêu, điều (đào), ca cao, cà phê, nhưng hiệu quả không cao, vì do giống chưa tốt, khả năng tiêu thụ lúc này còn rất kém, sau đó, nông dân đốn bỏ cây ca cao và cây cà phê, trồng xen các loại chuối, chanh trên đất vườn.
Trên lĩnh vực phân phối lưu thông, hợp tác xã mua bán của xã thay đổi phương thức kinh doanh, bắt đầu thực hiện mua bán trao đổi hai chiều, nông dân bán các loại hàng hóa nông sản cho các cửa hàng của xã được mua lại các loại hàng nhu, yếu phẩm (đường, bột ngọt, xà bông…), phân bón với giá thỏa thuận.
Năm 1982, xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân xã (bây giờ là trụ sở khối vận), cầu tàu.
Trong tình hình ngân sách của xã còn khó khăn, để tạo điều kiện phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng cho địa phương, Đảng ủy, chính quyền triển khai thực hiện phương châm “nhà nước và Nhân dân cùng làm” vận động Nhân dân góp tiền bạc, ngày công cùng với khoản kinh phí của nhà nước xây dựng cầu Bà Hét và 3 cầu ở tuyến đường Phú Định bằng pêtông, sửa chữa cầu Ông Đa.
An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Giao quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu.
Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IV nhiệm kỳ 1983-1985 đã đề ra nhiệm vụ tập trung thực hiện: hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, do đồng chí Nguyễn Anh Hoàng làm Bí thư, đồng chí Ngô Hồng Châu làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Từ những kết quả của các đại hội trước, Đảng bộ lãnh đạo củng cố, kiện toàn các tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Xã có 08 tập đoàn sản xuất nông nghiệp
Để hình thành mô hình nông – công – thương – tín phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào, xã thành lập hợp tác xã tín dụng, huy động tiền nhàn rỗi của Nhân dân cho các hộ sản xuất kinh doanh vay lại.
Xã tiến hành xây dựng mới trụ sở Ủy ban nhân dân xã (kinh phí của huyện cấp), xây dựng kiên cố trường cấp I, trường cấp II.
Nhân dân Phú Đức hưởng ứng cuộc vận động mua công trái xây dựng Tổ quốc, tham gia đổi tiền lần 3 (9-1985).
Đảng bộ xã đã lựa chọn những quần chúng ưu tú trong Đoàn Thanh niên xã, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã mua bán…bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Các ấp đều có chi bộ Đảng.
Sau hơn 10 năm giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Phú Đức đã vượt qua những khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh để lại, ổn định an ninh trật tự, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Trong thời gian này, bên cạnh những thành tựu đạt được, có hạn chế là kinh tế phát triển còn chậm, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân còn nhiều khó khăn, nguyên nhân là do hậu quả chiến tranh và cơ chế quản lý quan liêu bao cấp tác động, tư duy cũ,…). Tuy nhiên, những thành tựu đạt được là rất cơ bản, quan trọng, đã tạo tiền đề khi có đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế - xã hội của xã sẽ phát triển nhanh, bền vững.
(còn tiếp)