Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 24 Tháng 5, 2025 - 21:20

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách lao động

Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Việc chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Đây cũng là một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo nghĩ, trăn trở, coi đó là một trong những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động, là thước đo đánh giá năng lực và sự thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước, của chế độ.

Trong tư tưởng của mình, Bác nhận thức về chính sách lao động khá bao quát và toàn diện, thể hiện ở những nội dung cơ bản như: chăm lo, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương cho người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; bảo đảm an toàn cho người lao động; giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động…

Theo Bác, để tạo việc làm cho người lao động cần quan tâm nhiều đến sự phát triển kinh tế, bởi kinh tế có phát triển thì mới có việc làm cho người lao động. Vì vậy, dù trong bối cảnh bộn bề của những ngày đầu mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị với Hội đồng Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất. Người đưa ra khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất ngay. Tăng gia sản xuất nữa!”. Đối với nông dân, Người khẳng định: “Muốn cho nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày”. Đối với công nhân, viên chức, Người căn dặn phải “làm sao cho nhân dân có công ăn việc làm để nâng cao đời sống của nhân dân lên”. Đồng thời Người cũng nhắc nhỡ phải khuyến khích giúp đỡ những người lao động trí óc, có như vậy họ mới phát triển tài năng của họ để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Bác cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động. Theo Bác, muốn thực hiện quyền làm chủ, người lao động phải có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phải học lý thuyết kết hợp với thực tiễn. Để làm được điều đó, Người yêu cầu Đảng, Nhà nước cần coi trọng việc đào tạo toàn diện cho những người lao động. Bác chủ trương: “Các ngành nghề đào tạo phải phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành kinh tế. Các trung tâm đào tạo nghề cho người lao động được khuyến khích thành lập, tạo điều kiện phát triển và được đầu tư bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước”, Người nhắn nhủ người lao động phải “học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy, vì có học tập thì mới phát triển, mới đủ năng lực nghề nghiệp mà lao động.

Bác nói rõ, tiền lương là mục tiêu quan trọng và chính đáng của người lao động, tiền lương phải đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. Do đó, chính sách tiền lương cũng là một trong những động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Trong “Chương trình Việt Minh” do Người soạn thảo có nội dung rất cụ thể về việc thi hành Luật Lao động, quy định chính sách tiền lương, nêu rõ về chế độ tiền lương cho công nhân, về việc quy định mức lương tối thiểu. Phải đảm bảo sự công bằng, nhưng không có nghĩa là cào bằng, mà là làm theo năng lực hưởng theo lao động. Đối với nông dân - những người lao động trên chính ruộng đất của mình thì không được trả lương, nhưng, Người yêu cầu: “Giảm địa tô. Cứu tế nông dân trong những năm mất mùa”, vì người nông dân phần nhiều phụ thuộc vào khí hậu, thủy lợi nên khó tránh khỏi những lúc mất mùa, thất bát. Quan điểm này thể hiện rõ tính nhân đạo, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, là một trong những chính sách an sinh xã hội tiến bộ, có ý nghĩa tích cực trong đời sống sản xuất. Đối với bộ đội, Người chủ trương “hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ”. Ngoài chính sách tiền lương, thưởng cho bộ đội theo quy định chung, thì đối tượng này còn được hưởng phụ cấp cho gia đình một cách đầy đủ. Điều này góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên bộ đội yên tâm làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Người cũng cho rằng, cần phải quan tâm nhiều đến công tác bảo đảm an toàn lao động, đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Bởi, những yếu tố trên, nếu được bảo đảm thì người lao động mới yên tâm sản xuất và cống hiến cho xí nghiệp, cho đất nước.

Có thể thấy, những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách lao động chính là động lực của nền kinh tế đất nước, là nhân tố quan trọng làm cho nền kinh tế nước ta vượt qua được những khó khăn thử thách. Vận dụng tốt, nhuần nhuyễn các quan điểm này thì mới phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

BBT (nguồn internet)