Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm văn nghệ bao gồm văn học và nghệ thuật. Văn nghệ là sự tập trung nhất của nền văn hóa, đỉnh cao của đời sống tinh thần và là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nền văn nghệ cách mạng mà còn là một người chiến sĩ tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Văn nghệ là một mặt trận nghĩa là văn nghệ là một bộ phận của cách mạng và có tầm quantrọng như mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao. Nói văn nghệ là một mặt trận để thể hiện tính chất cam go, quyết liệt. Đó là cuộc chiến giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa cách mạng với phản cách mạng. Cho nên, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm nghệ thuật là vũ khí đấu tranh. Người nghệ sĩ phải có lập trường vững chắc, tư tưởng đúng đắn, tình cảm cao đẹp; luôn đặt lợi ích của dân tộc, nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên hàng đầu. Nghệ sĩ phải tự nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nhất là tài năng để sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa ngày càng tốt hơn. Các tác phẩm nghệ thuật là vũ khí sắc bén để phò chính trừ tà, cổ vũ tinh thần đấu tranh, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cho nhân dân; đồng thời vạch trần, tố cáo âm mưu chia rẽ, đầu độc văn hóa của các lực lượng thù địch. Trong từng giai đoạn cách mạng, văn nghệ có nhiệm vụ khác nhau.
Trước khi giành chính quyền, văn nghệ có nhiệm vụ thức tỉnh quần chúng, tập hợp lực lượng và cổ vũ cho thắng lợi tất yếu của cách mạng. Sau khi nước nhà được độc lập, văn nghệ phải tham gia vào công cuộc bảo vệ độc lập và xây dựng chế độ mới, xây dựng con người mới.
Thứ hai, văn nghệ phải gắn với đời sống thực tiễn của nhân dân. Thực tiễn đời sống của nhân dân rất phong phú, từ lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt đến xây dựng đời sống mới. Nó là nguồn chất liệu vô hạn, nguồn nhựa sống, sinh khí cho văn nghệ sáng tác. Văn nghệ sĩ có quyền hư cấu, sáng tạo song phải xuất phát và gắn liền với thực tại đời sống nhân dân. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải hòa mình vào quần chúng, phải từ quần chúng mà ra và trở về nơi quần chúng; liên hệ, đi sâu vào trong đời sống của nhân dân. Có như thế mới thấu hiểu được tâm tư, tình cảm cũng như nguyện vọng của nhân dân để có thể miêu tả cho hay, chân thật và hùng hồn cuộc sống của nhân dân. Nhân dân không chỉ là những người làm ra của cải, vật chất mà còn là người hưởng thụ, đánh giá các tác phẩm văn học - nghệthuật một cách khách quan nhất, trung thực nhất, chính xác nhất.
Thứ ba, phải có những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với thời đại mới của đất nước và dân tộc. Mục đích của văn nghệ là phục vụ quần chúng nhân dân cho nên các tác phẩm văn nghệ phải có sự thống nhất hài hòa giữa hình thức và nội dung. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích...”. Một tác phẩm hay là tác phẩm diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, ai đọc cũng có thể hiểu được và khi đọc xong phải suy ngẫm. Tác phẩm đó phải là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại đồng thời cũng phải mang hơi thở củathời đại, phản ánh một cách chân thực đời sống xã hội. Phê phán những thói hư tật xấu, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.