Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Phú Đức (1930-2023)
CHƯƠNG IV
48 NĂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 - 2023)
(tiếp theo kỳ trước)
II. THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CỦA ĐẢNG, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1986 - 2010)
Tháng 6-1986, Đảng bộ Phú Đức tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ IV nhiệm kỳ 1986-1988. Đại hội đã xác định mục tiêu nhiệm vụ: đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện; hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; giữ vững an ninh quốc phòng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 9 ủy viên, Ban Chấp hành bầu đồng chí Nguyễn Anh Hoàng làm Bí thư, đồng chí Phạm Văn Hoàng làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tiến hành. Đại hội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế thị trường (kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa); đẩy mạnh thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đại hội VI của Đảng đã mở ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của cách mạng nước ta.
Đảng bộ đã tổ chức cho cán bộ đảng viên và Nhân dân trong xã học tập Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Quan điểm nhìn nhận về kinh tế tư nhân, cá thể có khác trước, xem đây là một thành phần kinh tế cần được khuyến khích, giúp đỡ để phát triển sản xuất. Từ đó, Ủy ban nhân dân xã cho tư nhân mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng có thuận lợi là Nhân dân phấn khởi với chủ trương đổi mới của Đảng. Tuy nhiên, có những khó khăn: sau cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền, nạn lạm phát tăng cao, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Trong hai năm 1986-1988, thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân tập trung sức đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Mạng lưới giao thông trong xã được sửa chữa, tôn cao và mở rộng nền đường, đắp lộ mới. Xã cho trải đá đỏ lộ Phú Ninh, nâng cấp mặt bằng lộ Ngã năm.
Ủy ban nhân dân xã cho xây dựng kiên cố trạm y tế xã bằng nguồn vốn nhà nước và Nhân dân đóng góp.
Trong thời gian này, tình trạng vỡ nợ tín dụng, nợ vay, giựt dọc xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống Nhân dân. Đảng ủy, Ủy ban cùng các ngành chức năng đã tập trung giải quyết tình trạng vỡ nợ tín dụng, nợ vay, giựt hụi,… ổn định an ninh trật tự.
Khoảng tháng 7-1988, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ V nhiệm kỳ 1988-1990. Đại hội đã xác định thế mạnh: lúa, dừa, mía. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 9 đồng chí, Ban Chấp hành bầu đồng chí Phạm Văn Hoàng làm Bí thư, đồng chí Ngô Hồng Châu (Ba Châu) làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Cuối năm 1988, đồng chí Ngô Hồng Châu được điều làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, đồng chí Hồ Văn Paul làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Sau Đại hội, Đảng ủy đã có những giải pháp để đổi mới và phát triển kinh tế của xã như cho lấy đất ruộng sản xuất kém hiệu quả lên bờ lập vườn, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng: đốn dừa trồng nhãn, trồng sầu riêng, sapô,… để có hiệu quả kinh tế cao. Các tập đoàn sản xuất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp thực hiện khoán 10 (khoán hộ) giao đất cho các hộ dân sản xuất.
Ủy ban nhân dân xã cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã trên diện tích 3 công đất. Năm 1990, công trình này hoàn thành với kinh phí 11,5 triệu đồng (tỉnh góp 6 triệu, huyện góp 1 triệu, còn lại xuất kinh phí xã)
Công tác vận động quần chúng được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 8B của Đảng (khóa VI), đa dạng hóa các tổ chức quần chúng. Ngày 6 tháng 12 năm 1990, xã thành lập Hội Cựu chiến binh, có 21 hội viên, do đồng chí Nguyễn Công Trung làm Chủ tịch lâm thời. Sau đó, tháng 3-1991, tiến hành Đại hội Hội Cựu chiến binh lần I, bầu ra Ban Chấp hành Hội do đồng chí Trần Phi Hổ làm Chủ tịch.
Tháng 11-1991, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ VI nhiệm kỳ 1991-1993. Đại hội xác định nhiệm vụ tập trung thực hiện huy động các nguồn lực của Nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí, Ban Chấp hành bầu đồng chí Phạm Văn Hoàng làm Bí thư, đồng chí Hồ Văn Paul làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Tháng 12 năm 1992, đồng chí Phạm Văn Hoàng được điều lên huyện làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Huyện ủy chỉ định đồng chí Ngô Hồng Châu làm Bí thư Đảng ủy xã.
Sau Đại hội, sản xuất kinh tế của xã tiếp tục phát triển. Nhân dân tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, diện tích đất lúa bị thu hẹp dần. Công tác khuyến nông, khuyến ngư được đẩy mạnh, với nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Trong hai năm 1990-1991, Ủy ban nhân dân xã thực hiện Di chúc của Bác Hồ miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, mỗi năm miễn 50% tiền thuế nông nghiệp. Qua đó, tạo được sự phấn khởi trong Nhân dân.
Với chính sách kinh tế nhiều thành phần, các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân được tự do phát triển. Các hợp tác xã mua bán của xã hoạt động kém hiệu quả nên giải thể.
Tháng 9-1992, bằng nguồn vốn do Nhân dân đóng góp và kinh phí của xã, Ủy ban nhân dân xã cho thi công công trình kéo đường điện về xã. Việc thi công công trình đường điện này, có nhiều khó khăn vì đường giao thông của xã lúc này còn nhỏ hẹp, các loại xe tải không vào được, lực lượng thi công phải dùng thùng phi rỗng kết lại để cột điện lên trên rồi bè vào các điểm đóng trụ, căng dây điện. Đường điện được kéo về, mọi người dân đều phấn khởi. Cuối năm 1993, xã tiếp tục vận động Nhân dân góp tiền kéo điện từ Phú Long đến Phú Ninh, phủ kín điện toàn xã.
Giữa năm 1993, đoạn lộ từ Phú Long - Phú Ninh được sửa chữa, đắp lại tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa của Nhân dân.
Lúc này, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ đảng viên và Nhân dân. Trong nước, các thế lực phản động thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt, nêu chiêu bài đa nguyên, đa đảng. Đảng ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành tổ chức các buổi thông tin thời sự cho cán bộ đảng viên nắm tình hình, chủ trương của Đảng, kiên trì đi theo chủ nghĩa xã hội, mục tiêu mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Qua đó, càng củng cố nhận thức và niềm tin của cán bộ đảng viên và Nhân dân.
Tháng 11-1993, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ VII nhiệm kỳ 1993-1995. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 ủy viên, Ban Chấp hành bầu đồng chí Ngô Hồng Châu (Ba Châu) làm Bí thư, đồng chí Hồ Văn Paul làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Thực hiện Quyết định số 364 của Chính phủ về phân định địa giới hành chính, năm 1994, xã Phú Đức tách phân nửa ấp Phú Lễ (lấy ranh từ vàm Bà Hét) và một phần ấp Song Phú giao cho xã Phú Túc và nhận phân nửa ấp Phú Xuân của xã Phú Túc nhập vào xã Phú Đức. Tên gọi ấp này vẫn giữ như cũ.
Trong hai năm 1994-1995, với sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất kinh tế và đời sống nhân dân có bước phát triển. Đến năm 1995, thu nhập bình quân đầu người 210 USD. Toàn xã có 40% hộ giàu, khá 42%, số hộ trung bình 18%, số hộ khó khăn còn lại vươn lên trung bình, không còn hộ đói.
Kinh tế phát triển, Nhân dân đóng góp vào xây dựng mạng lưới giao thông, tu sửa trường học. Hệ thống cầu đường được trải sỏi đỏ (22km) và 87 cầu bêtông (kinh phí 600 triệu đồng và 3 vạn ngày công lao động) thông suốt trong xã và với các xã bạn, 35% hộ dân có điện sinh hoạt và sản xuất, hệ thống thông tin bưu điện thông suốt, 32 hộ có điện thoại, toàn xã có 500 chiếc xe máy và ghe máy. Đời sống văn hóa cơ sở được nâng lên, bình quân 1,5 hộ có ti vi, cátset, 100% có radio.
Về giáo dục, xã có 02 trường phổ thông cấp I và 02 trường mẫu giáo (phủ kín các ấp), không còn lớp học ca 3, có 98,6% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã kéo giảm tỷ lệ tăng dân số còn 1,72% (1995). Hỗ trợ kinh phí xây dựng 7 nhà tình nghĩa, tặng 4 sổ tiết kiệm (2,8 triệu đồng)
Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Đảng bộ có 9 chi bộ với 71 đảng viên.
(còn tiếp)