Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Phú Đức (1930-2023)
CHƯƠNG IV
48 NĂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 - 2023)
II. THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CỦA ĐẢNG, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1986 - 2010)
(tiếp theo kỳ trước)
Ngày 10-2-1996, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII nhiệm kỳ 1996-2000 (Trung ương quy định mới mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, vì vậy kéo dài đến năm 2000). Đại hội đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, kiện toàn hệ thống chính trị.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 9 ủy viên, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Đảng ủy, đồng chí Hồ Văn Paul làm Bí thư, đồng chí Đào Văn Tư làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1996-2000 có thuận lợi là đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng bộ và Nhân dân Phú Đức bước vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đất trồng mía, đất trồng lúa không còn, thay vào đó là cây dừa và cây ăn trái. Diện tích đất vườn cây ăn trái chiếm 836 ha, vườn dừa chiếm 73 ha, trồng xen măng cụt, ca cao, bòn bon trong vườn dừa 52/73 ha. Nhân dân đốn bỏ nhãn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cam, bưởi. Hội Nông dân xã kết hợp với Trung tâm khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn trồng cây có múi, xử lý ra hoa trái vụ, sử dụng nông dược không gây ảnh hưởng môi trường.
Chăn nuôi hộ gia đình phát triển mạnh. Năm 2000, đàn heo 1.878 con (tăng 939 con so với năm 1996), đàn bò 135 con, dê 1000 con. Có 1 hộ chăn nuôi heo đạt kinh tế trang trại. Nuôi trồng thủy sản 45 ha (tôm 35 ha, cá 10 ha), chủ yếu là nuôi tôm tự nhiên và nuôi cá bán công nghiệp.
Tiểu thủ công nghiệp, mua bán, dịch vụ phát triển. Toàn xã có 5 cơ sở tiểu thủ công nghiệp (4 cưa xẽ gỗ, 1 xay xát), 1 điểm gia công hàng thủ công mỹ nghệ dệt thảm (Phú Long), 43 hộ kinh doanh mua bán nhỏ (tăng 25 hộ so với năm 1996), thu hút 400 lao động.
Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, xã đã làm đường mới, nâng cấp trải sỏi đỏ 36.999 m đường liên xã, xây mới 23 cầu, đắp 12 móng cầu với tổng kinh phí 4,111 tỷ đồng; trong đó, Nhân dân đóng góp 250.035.000 đồng. Xây dựng 20 công trình lớn nhỏ (nhà làm việc, hàng rào, nhà tình nghĩa,…) với tổng kinh phí 279 triệu; trong đó, Nhân dân đóng góp 16 triệu đồng, gần 1.000 ngày công lao động.
Năm 1998, Đảng bộ lãnh đạo triển khai Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đến năm 2000, ấp Phú Định được công nhận là Ấp văn hóa đầu tiên của xã. Các hoạt động thể dục thể thao phát triển. Xã có 5 sân bóng đá mini, mỗi ấp có đội bóng đá, bóng chuyền, thường xuyên luyện tập và thi đấu.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) coi giáo dục đào tạo – khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, Đảng bộ, chính quyền quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục, đầu tư xây dựng kiên cố trường lớp, sắm bàn ghế. Ngành giáo dục đưa giáo viên đi đào tạo chuẩn hóa. Tỷ lệ trẻ em đến trường đạt trên 95%. Tỷ lệ học sinh bỏ học 1999-2000 còn 1,7%. Có 3 học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh và toàn quốc, có 11 giáo viên giỏi. Công tác phát triển Đảng trong ngành giáo dục, có 16 đảng viên/55 giáo viên, tăng 12 đảng viên so với năm 1995.
Trạm y tế xã tăng cường công tác phòng bệnh, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào phòng trị bệnh truyền nhiễm, tăng cường giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ gia tăng dân số từ 1,34% năm 1995 còn 1,03% năm 2000.
Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, trong 5 năm 1996-2000, xã xây dựng 8 căn nhà tình nghĩa, 2 nhà tình thương trị giá 134 triệu đồng; trong đó, vận động các nhà hảo tâm 18 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 16 triệu đồng, tu sửa nghĩa trang và mộ liệt sĩ 18 triệu đồng.
Đảng ủy tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng an ninh, phân công đảng ủy viên trực tiếp lãnh đạo công tác quân sự địa phương. Đảng ủy, chính quyền đã xây dựng kế hoạch A1, A2, tổ chức diễn tập vận hành cơ chế, diễn tập nâng cao theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Công tác tuyển quân, trong 5 năm 1996-2000, có 58 thanh niên nhập ngũ. Xây dựng lực lượng đạt 2,7% dân số, huấn luyện hàng năm đạt 95% trở lên. Công an tổ chức truy quét các đối tượng vi phạm an ninh trật tự, cờ bạc, giết người. Thường xuyên củng cố tổ Nhân dân tự quản.
Với những thành tích trong kháng chiến và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Phú Đức được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng đanh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” vào ngày 11-6-1999. Đến ngày 18-12-1999, buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân được long trọng tổ chức tại sân Ủy ban nhân dân xã, có sự tham dự của hàng ngàn người gồm đại biểu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, quân khu, các huyện trong tỉnh, những người con của địa phương đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cùng Nhân dân xã. Đây là sự cổ vũ, khích lệ rất lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân xã.
Hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng về chính trị, tư tưởng tổ chức. Đảng bộ tổ chức học tập nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng lập trường kiên định vững vàng, vượt qua khó khăn, thử thách, chống đa nguyên, đa đảng và chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Trong 5 năm kết nạp 75/60 đảng viên (đạt 125% so với Nghị quyết), xử lý kỷ luật 13 (khiển trách 5, cảnh cáo 4, cách chức 2, xóa tên 1, khai trừ 1). Đảng bộ có 11 chi bộ (chi bộ Công an, chi bộ Quân sự, chi bộ ấp Phú Tường, chi bộ ấp Phú Hội, chi bộ ấp Phú Xuân, chi bộ ấp Song Phú, chi bộ ấp Phú Định, chi bộ ấp Phú Ninh, chi bộ ấp Phú Long, chi bộ Phú Lễ, chi bộ trường học). Đảng ủy lãnh đạo lập quy hoạch cán bộ chủ chốt từ 2001-2005 và những năm tiếp theo.
Ngày 10-9-2000, Đảng bộ triệu tập Đại hội Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2000-2005. Đại hội đã kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1996-2000 và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2000-2005:
1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện (cây dừa, cây ăn trái, chăn nuôi); phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ nông thôn; tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động các nguồn thu ngân sách”.
2. Văn hóa - xã hội: chăm lo đối tượng chính sách; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các trạm y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường.
3. Tăng cường an ninh quốc phòng.
4. Đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân.
5. Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã.
6. Tăng cường công tác xây dựng Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 ủy viên, đồng chí Hồ Văn Paul làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Chiến làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Để tạo điều kiện phát triển vườn cây ăn trái, xã hình thành hệ thống đê bao dài 6.550 m cùng hệ thống cống thoát nước. Diện tích vườn cây ăn trái: từ 790 ha lên 836 ha, tăng 46 ha. Phong trào cải tạo vườn tạp phát triển, đã cải tạo 45 ha, đạt 100% so với nghị quyết. Chuyển đổi 509 ha vườn nhãn long sang các loại cây sầu riêng, cam, bưởi. Có 67 ha đạt 50 triệu đồng/ha/năm, 624 ha đạt 40 triệu đồng, 216 ha dưới 40 triệu.
Chăn nuôi bò, dê tăng, đàn bò có 135 con, đàn dê có 1000 con. Đàn gia cầm giảm mạnh do dịch cúm gia cầm. Nuôi tôm cá 45 ha, chủ yếu nuôi tôm tự nhiên và nuôi cá bán công nghiệp.
Năm 2005, số hộ kinh doanh mua bán nhỏ tăng lên 72 hộ (tăng 29 hộ so với năm 2000).
Xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm đầu tư. Xã đã xây dựng bờ kè bến chợ, xây dựng trụ sở ấp Phú Ninh, nhà làm việc khối vận, quân sự, trụ sở tiếp dân, sửa chữa và xây mới 7 cầu pêtông tổng chiều dài 97 m, tổng kinh phí 220 triệu đồng (ngân sách huyện, xã 89 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 131 triệu đồng, đưa vào sử dụng 2.633 m đường nhựa).
Công tác địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.883/1.916 hộ, đạt 98,27% sổ bộ đo đạc.
Số hộ sử dụng điện 1.429 hộ, đạt 75,09%. Điện thoại 471 máy, bình quân 4,75 máy/100 dân.
Thực hiện chỉ đạo của trên miễn thuế nông nghiệp 10 năm, xã tự cân đối các nguồn thu tài chính. Huy động ngân sách 5 năm là 2.859.224.000 đồng, tăng nguồn thu từ 20 – 25 %, chủ yếu tận thu các nguồn thu phí, lệ phí.
Sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Xã được công nhận đạt phổ cập trung học cơ sở.
Chính sách xã hội được quan tâm. Các ngành chức năng vận động lập 21 hồ sơ đi xuất khẩu lao động, đưa đi vùng kinh tế mới 11 hộ, 49 nhân khẩu.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục lan rộng trong Nhân dân. Đến năm 2005, có 7/8 ấp được công nhận đạt chuẩn Ấp văn hóa, có 3 cơ quan đạt Cơ quan văn hóa (Ủy ban nhân dân xã, trường Phú Đức A, Trạm y tế xã).
Quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân, Đảng ủy quan tâm củng cố kế hoạch phòng thủ, xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang. Tỷ lệ giao quân hàng năm đạt chỉ tiêu, trong 5 năm giao 50 thanh niên. Phong trào tiếng mõ an ninh được triển khai rộng khắp trong dân, có 1.525 cái mõ, đạt 78, 52%.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm. Đảng bộ triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ đảng viên và Nhân dân.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ kết nạp đảng 50/75 đảng viên mới, đạt 66,66% chỉ tiêu. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Đảng bộ lãnh đạo công tác quy hoạch đào tạo cán bộ, đưa đi học các lớp 51 đồng chí; trong đó, cao cấp 01, đại học 01, trung cấp 08, qua các lớp đoàn thể 04, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn 23 đồng chí, bồi dưỡng văn hóa 10 đồng chí.
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được củng cố kiện toàn, hoạt động đúng chức năng theo luật định. Sắp xếp lại bộ máy chuyên trách, không chuyên trách theo Nghị định 121, đi đôi với củng cố ấp vững mạnh, các trưởng ấp đều do dân bầu, được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Sự phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã ngày càng đi vào nề nếp, có quy chế cụ thể. Chính quyền xã thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quy chế tiếp dân. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được quán triệt và thực hiện trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã khơi dậy tinh thần và sự ủng hộ của Nhân dân. Các đoàn thể làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân thực hiện các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, làm giao thông nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tương trợ sản xuất.
(còn tiếp)