Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ hai, 19 Tháng 5, 2025 - 17:01

Thủ tục hòa giải, đối thoại tại phiên tòa

Bà N.T.H có nhu cầu tư vấn: Tôi là bị đơn trong một vụ tranh chấp đất đai, Tòa án huyện đã thụ lý vụ án. Tôi nghe được thông tin là Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại phiên tòa. Xin hỏi: HGĐT tại phiên tòa được thực hiện ra sao? Người làm chứng của tôi có được tòa triệu tập hay không? Việc đóng lệ phí ra sao, có cao hơn lệ phí phải nộp cho Tòa án như xét xử hay không”

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- HGĐT tại Tòa án là một hình thức hòa giải được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tòa án trong giai đoạn tiền xét xử, cho phép các bên có cơ hội giải quyết tranh chấp với nhau bằng thỏa thuận trước khi vụ việc được đem ra xét xử.

Theo quy định của Luật HGĐT tại Tòa án năm 2020, trình tự, thủ tục thực hiện việc HGĐT tại Tòa án được chia làm 4 giai đoạn như sau: 1) Giai đoạn 1, tiến hành phiên HGĐT tại Tòa án theo Điều 24 Luật HGĐT tại Tòa án. 2) Giai đoạn 2, tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả HGĐT tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền theo Điều 27 Luật HGĐT tại Tòa án. 3) Giai đoạn 3, ra biên bản ghi nhận kết quả HGĐT tại Tòa án theo nội dung quy định tại Điều 31 Luật HGĐT tại Tòa án. 4) Giai đoạn 4, ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo quy định tại Điều 32 Luật HGĐT tại Tòa án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật HGĐT tại Tòa án, thành phần phiên HGĐT gồm có: hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết… Do vậy, thành phần của các bên tham gia phiên HGĐT không bao gồm người làm chứng. Tuy nhiên, người làm chứng có thể được triệu tập nếu hòa giải viên thấy cần thiết (theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 25 Luật HGĐT tại Tòa án).

Mặt khác, Điều 9 Luật HGĐT tại Tòa án quy định: “1. Chi phí HGĐT tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…”. Trường hợp của bà không thuộc trường hợp phải trả chi phí hòa giải nên bà không phải trả chi phí hòa giải (theo khoản 1 Điều 9 Luật HGĐT tại Tòa án). 

Quá trình chờ Tòa án giải quyết, bà có thể liên hệ với Tòa án thụ lý vụ việc để hỏi thăm, cung cấp thêm thông tin (nếu Tòa án có yêu cầu).

H. Trâm (thực hiện)