Từng không biết chữ, từng sợ độ cao, ông trở thành phi công MiG-17 huyền thoại với 7 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ và là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân 937.
Nguyễn Văn Bảy (SN 1936, tại Lai Vung, Đồng Tháp) là người con của miền Tây sông nước, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, từng không biết chữ và sợ độ cao.
Thế nhưng, chính ông lại trở thành một trong những phi công tiêm kích huyền thoại của không quân Việt Nam, với 7 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng chiếc MiG-17 lẫy lừng.
Hình ảnh đời thường của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy năm 2018 (Ảnh: Nguyễn Hành).
Ông Bảy là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng vững chắc và từng giữ cương vị Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân 937.
Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Nguyễn Văn Bảy không chỉ là biểu tượng trên bầu trời, mà còn là tấm gương về lối sống khiêm nhường, giản dị và nhân hậu khi trở về đời thường - một người hùng không cần ánh hào quang để trở nên vĩ đại.
Ông qua đời tháng 9/2019, hưởng thọ 83 tuổi.
Các cựu chiến binh tại buổi kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn Không quân 937 tại Bảo Tàng Phòng không Không quân (Ảnh: Ban tổ chức).
Ngày 17/5, tại Bảo tàng Phòng không Không quân (Hà Nội), cuốn hồi ký mang tên Cánh chim bất tử - Câu chuyện về người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy chính thức ra mắt, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn Không quân 937, đơn vị gắn liền với tên tuổi ông.
Cuốn sách được chắp bút bởi chính người con trai của ông. Nội dung được kể lại từ ký ức gia đình, lời kể của đồng đội và những tư liệu lịch sử quý giá.
Không chỉ ghi lại cuộc đời và lý tưởng của một người phi công anh hùng, cuốn sách còn là bản anh hùng ca của một thế hệ sẵn sàng "xé trời mà bay" vì độc lập, tự do, một cánh chim bất tử trong trái tim người lính Việt Nam.
Bằng giọng văn gần gũi và cảm xúc chân thực, tác phẩm không chỉ tái hiện những trận không chiến sinh tử, mà còn khắc họa chiều sâu nhân cách, lý tưởng và đời sống tinh thần của người lính năm xưa.
Từng trang sách là sự kết hợp giữa lòng tự hào và nỗi nhớ da diết, như những trang nhật ký viết bằng cả chữ và nước mắt. Từ tuổi thơ bên sông nước miền Tây, hành trình luyện tập khắc nghiệt, cho đến những năm tháng hậu chiến bình lặng, tác phẩm đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc: Tự hào, thán phục và trên hết là biết ơn.
Cánh chim bất tử - Câu chuyện về người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy không chỉ là hành trình đi qua từng chặng đời của ông với tư cách một người lính mà còn là một người cha biết lặng thầm hy sinh, một người chồng giàu lòng thủy chung, một người bạn sống trọn nghĩa tình, và một người dân với lòng yêu nước thắm thiết.
Tác phẩm không chỉ là hồi ức về một người cha, mà còn gửi gắm một thông điệp giản dị nhưng sâu sắc: Chủ nghĩa anh hùng không chỉ nằm trong chiến công hay danh hiệu, mà hiện diện trong cách sống tử tế, có trách nhiệm, khiêm nhường và biết cống hiến vì cộng đồng.
Bìa cuốn hồi ký về cuộc đời phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (Ảnh: Ban tổ chức).
Trong không khí trang trọng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn Không quân 937, cuốn hồi ký trở thành điểm nhấn đầy cảm xúc. Nhiều cựu chiến binh đã không giấu được sự xúc động khi ôn lại những ký ức chiến trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên Trung đoàn phó, Chính ủy Trung đoàn Không quân 937 (năm 1990) đã nghẹn ngào khi cầm cuốn sách trên tay: "Thủ trưởng của tôi, Trung đoàn trưởng đầu tiên của tôi, anh Bảy!".
Lật giở từng trang, độc giả - đặc biệt là giới trẻ - sẽ tìm thấy không chỉ một câu chuyện về con người phi thường, mà còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thấm thía về lý tưởng sống, về tình yêu đất nước, và về niềm tin vào những giá trị bền vững.
Không chỉ là món quà tôn vinh người anh hùng dân tộc - phi công Nguyễn Văn Bảy, những câu chuyện trong sách còn khơi dậy tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năm 2025, đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2025).