Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ ba, 20 Tháng 5, 2025 - 23:27

Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Phú Đức (1930-2023)

Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Phú Đức (1930-2023)

(tiếp theo kỳ trước)

 

CHƯƠNG III

THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

 

I. TỪ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ, GIỮ GÌN LỰC LƯỢNG TIẾN LÊN ĐỒNG KHỞI (1954 - 1960)

1. Bố trí lại lực lượng, tiến hành đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ (1954 - 1955)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền với 2 nhiệm vụ khác nhau: miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân và thống nhất nước nhà.

Ngày 11-8-1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực ở Nam Bộ. Theo sự chỉ đạo của trên, chi bộ Phú Đức khẩn trương tiến hành sắp xếp lực lượng đi tập kết ra Bắc và bố trí cán bộ đảng viên ở lại tại địa phương để lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định.

Sau 15 ngày ngừng bắn, Nhân dân xã đã tiễn đưa 30 đảng viên, cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc; trong số này có 10 đảng viên. Chi bộ còn 9 đảng viên: Trương Văn Thiện, Hồ Văn Hai, Nguyễn Văn Thiệu, Tám Ất (Tân Lợi), Đỗ Thị Đước (mẹ Hai), Hai Bi, Tư Phê (thầy thuốc Bắc) do đồng chí Hồ Văn Hai làm Bí thư. Các đoàn thể Phụ nữ, Nông dân cứu quốc được giải thể, chỉ còn Đoàn Thanh niên (Đoàn Thanh Lao) do đồng chí Trần Văn Tửng (Hồng Sơn) làm Bí thư. Thông qua các tổ chức quần chúng biến tướng như: Hội đình, Hội chùa, Hội tương tế ái hữu, … cán bộ đảng viên nắm dân, theo phương thức rễ chuỗi, đảng viên nắm quần chúng tích cực, quần chúng tích cực nắm số lưng chừng.

Tranh thủ thời gian đầu địch chưa chiếm đóng lại các ấp của xã, chi bộ lãnh đạo việc tịch thu đất của những địa chủ chạy theo giặc cấp cho những nông dân không đất và cấp giấy chứng nhận cho họ để tạo cơ sở đấu tranh với địa chủ sau này. 

Chi bộ đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, nhất là điều 14C chống trả thù người kháng chiến để làm cơ sở đấu tranh với địch; đồng thời triển khai học tập nắm vững tình hình, nhiệm vụ mới, chuyển từ phương châm đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị.

Trong lúc đó thì địch cũng ráo riết tập hợp lực lượng, xây dựng bộ máy cai trị, từng bước phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị đánh phá phong trào cách mạng. Chúng thành lập ở Phú Túc một Ban đại diện (Hội đồng hương chính). Địch đóng đồn tại miễu Phú Định có 01 trung đội do Đội Ban chỉ huy, tập hợp những tên đầu hàng, phản bội.

Nhân lúc địch tìm người đưa vào bộ máy hành chính xã, ta lựa chọn những người có cảm tình với cách mạng, số nòng cốt cài người vào hàng ngũ địch, tổ chức ông Hàn Tấn Quyến làm đại diện. Sau đó, ông Quyến đi tu, ta cài ông Hinh làm đại diện. Các ấp đều có người của cách mạng cài vào làm trưởng ấp8. Sau này, nắm được Cảnh sát Phu là người ở Mỏ Cày. Thông qua các cơ sở trong hàng ngũ địch, ta nắm được tin tức, tình hình hoạt động của địch, làm giấy tờ (giấy căn cước…) tạo điều kiện cho cán bộ đi lại hoạt động hợp pháp, bảo vệ cán bộ.

Sau khi ổn định về tổ chức, địch bắt đầu các hoạt động kìm kẹp, khống chế Nhân dân. Chúng bắt phải làm giấy căn cước, lập sổ gia đình, ra lệnh cán bộ kháng chiến phải ra trình diện, bắt Nhân dân phải vào các tổ chức chính trị phản động như “Phong trào Cách mạng Quốc gia”, “Thanh niên Cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”. Địch lập danh sách những người kháng chiến cũ, vợ con, họ hàng của cán bộ đảng viên để dễ theo dõi. Chúng phân loại gia đình theo kểu A, B, C. Gia đình loại A là gia đình cán bộ đảng viên, những người kháng chiến cũ (trước cửa treo bảng màu đỏ), gia đình loại B: những gia đình có quan hệ với cách mạng (trước cửa treo bảng màu vàng) và gia đình loại C gồm những người ủng hộ chúng.

Chi bộ lãnh đạo đồng bào đấu tranh với các cơ quan ngụy quyền cấp xã, quận, tỉnh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ. Nhân dân còn kéo lên Sài Gòn đưa đơn từ Quốc hội, các cơ quan ngụy quyền dân sinh dân chủ. Các cuộc đấu tranh đã huy động đông đảo Nhân dân trong xã tham gia làm cho bọn ngụy quyền ở xã bối rối.

Mỹ Diệm tìm cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tổ chức trưng cầu dân ý (ngày 23-10-1954) nhằm truất phế Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống và bầu cử Quốc hội bù nhìn (4-3-1956) ở miền Nam. Được sự lãnh đạo của đảng viên chi bộ, Nhân dân Phú Đức tìm cách tránh né không đi bỏ thăm, những người bị bắt buộc đi bỏ thăm thì tìm cách bấm, làm rách các phiếu bầu. Song song đó, địch đánh vào quyền lợi của nông dân. Ngô Đình Diệm cho ban hành Chỉ dụ số 2 (6-1-1955), Đạo dụ số 7 (5-2-1955) và Dụ số 57 (22-10-1955) buộc nông dân phải trả lại cho địa chủ số ruộng đất mà cách mạng cấp trong kháng chiến, trả tô trong những năm chính quyền cách mạng quản lý. Đội Ban bắt dân đóng tô 1 công đất 3 giạ lúa. Nông dân đấu tranh, địa chủ giảm xuống còn 1 giạ lúa/công. Ông Ba Thiện đấu tranh chống địa chủ thu tô, giựt đất, bị địch bắt đày đi Côn Đảo.

2. Đấu tranh chống tố cộng, diệt cộng (1956-1959)

Giữa năm 1955, địch bắt đầu thực hiện “tố cộng, diệt cộng” bước I ở miền Trung và tiến hành bước II tổ chức rộng rãi ở miền Nam (1956) với các chiến dịch như Thoại Ngọc Hầu, Trương Tấn Bửu, bắn giết, bắt bớ, giam cầm cán bộ đảng viên và những người yêu nước. Để chuẩn bị cho việc quản lý, kiềm kẹp hiệu quả, địch phân loại lại địa giới các tỉnh, huyện, xã. Tháng 6 năm 1956, địch nhập Phú Túc vào quận Bình Đại, đến ngày 22-10-1956, nhập xã Phú Đức thuộc quận Sóc Sãi (quận Hàm Long), tỉnh Kiến Hòa.

Tại Phú Đức, địch đưa về xã 3-4 tên Công dân vụ kết hợp với lực lượng Công an, tề, dân vệ, mật vụ tại xã tổ chức học tập tố cộng, lùng sục xóm ấp tìm bắt cán bộ, đảng viên, bắt phải xé cờ Đảng, ảnh Bác Hồ. Chúng bắt mỗi nhà phải treo bảng “Nhà tôi không chứa cộng sản”.

Để đối phó với “Tố cộng, diệt cộng” do kẻ thù gây ra, ta chia thành 2 chi bộ A và B. Chi bộ A gồm các đồng chí đã mất thế công khai hợp pháp với địch, phải rút vào hoạt động bí mật, gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Triệu, Nam Thanh, Hồ Văn Hai, Tám Ất, Hai Thanh Long (Hai Bi), Trương Văn Xông, Trương Minh Tấn (Mười Cụt), Nguyễn Văn Giáp (Hai Giáp, bí danh Minh Đạo), ông Xẹtlô (chồng bà Nhãn).

Chi bộ B gồm những đảng viên còn giữ được thế công khai hợp pháp, do đồng chí Đỗ Thị Đước làm Bí thư chi bộ.

Cán bộ, đảng viên hoạt động ngăn cách, bí mật, dựa vào dân che chở, những đồng chí bị lộ được điều lắng đi nơi khác. Cán bộ, đảng viên ban ngày sống trên ngọn dừa, trong lùm bụi, trong hầm bí mật; ban đêm, ra ngoài hoạt động. Nhân dân Phú Đức làm hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn, làm vách hai ngăn, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ. Ấp nào cũng có điểm nuôi chứa cán bộ, đảng viên, mỗi nhà đào từ 3 đến 5 hầm:

Ở ấp Phú Ninh, có nhà bà Hai Phải, bà Ký Bản, bà Tư Bé, bà Năm Ơn.

Ở ấp Phú hội, có nhà bà Tư Ngân, bà Tư Quều, bà Đào Thị Tư.

Ấp Phú Định, có nhà ông Đào Văn Tùng, Chủ ấp Tố.

Ấp Phú Lễ, có nhà: ông Trần Văn Huân (thầy thuốc Huân), ông Nguyễn Văn Huê, ông Trương Văn Xinh, ông Hồ Văn Được, ông Nguyễn Văn Hai (Tám Sấm), Hà Văn Gạch.

Ấp Phú Thinh có nhà bà Trần Thị Năm.

Ấp Phú Bình có nhà ông Hai Tâm, Ba Thà.

Ấp Phú Tường có nhà bà Nguyễn Thị Mè, bà Nguyễn Thị Điền (Tư Hoa), ông Nguyễn Văn Nhơn, ông Bảy Đông (Phú bình) có công nuôi giấu bảo vệ an toàn đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ (năm 1987-1995, đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre).

Ấp Phú Long có gia đình ông Nguyễn Văn Hóa.

Chi bộ lãnh đạo quần chúng đấu tranh không đi dự các buổi tố cộng. Cán bộ đảng viên nếu bị địch bắt phải giữ gìn khí tiết, không khai báo với địch về tổ chức, hoạt động của cách mạng, chỗ ở của đồng chí khác, cơ sở nuôi chứa…Địch bắt được đồng chí Nguyễn Văn Nhiều (Tám Tân), Nguyễn Văn Thiệu (Sáu Thiệu), Ba Báu đánh đập, buộc phải tố cộng, nhưng các đồng chí kiên quyết chống lại, chúng bắt các đồng chí bỏ tù.

Năm 1958, địch bắt đồng chí Thiện, đồng chí Tư Tăng. Các đồng chí còn lại phải điều lắng.

Dưới sự tổ chức, chỉ huy của các đảng viên và cơ sở nòng cốt, các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng tiếp tục diễn ra sôi nổi.

Khi ngụy quyền bắt chị em phụ nữ vào Hội Phụ nữ Liên đới, chi bộ lãnh đạo Nhân dân ở các ấp đấu tranh không vào Hội Phụ nữ Liên đới. Kết quả, Hội phụ nữ Liên đới chỉ được tổ chức ở cấp xã, không phát triển xuống các ấp được.

Ngày 10-6-1956, từ cuộc đấu tranh chống thu tô của quần chúng, địch bắt 27 người, trong đó có đồng chí Đỗ Thị Đước (bà má Hai, Bí thư chi bộ). Chi bộ lãnh đạo Nhân dân đấu tranh. Đồng bào kéo lên tỉnh lỵ Kiến Hòa đấu tranh. Kết quả, địch trả tự do cho những người bị bắt.

Trong một lần khác, bọn lính bắt bà má Hai. Ta lãnh đạo cả trăm đồng bào biểu tình đòi thả bà má Hai, chúng bắt mấy chục người, xỏ dây bàn tay đưa xuống An Hóa. Ta tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh đòi thả má Hai và những người bị bắt, kéo băng cờ tới lộ 6. Má Hai bị địch bắt đưa tù tại Bến Tre. Dân tiếp tục đưa đơn vô, địch phải thả về.

Tháng 4-1958, tên Trung úy Liêm câu kết với địa chủ Hương bắt 25 gia đình nông dân trả lại đất đang canh tác do chính quyền cách mạng cấp. Chi bộ lãnh đạo 700 đồng bào đấu tranh tới quận. Kết quả 25 gia đình được giữ nguyên canh, tên Trung úy bị điều đi nơi khác. Bước sang năm 1959, địch tăng cường đánh phá cách mạng ác liệt. Ngày 6-5-1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng.

Một số cán bộ bị bắt, bị đày, một số đi điều lắng. Chi bộ A, chi bộ B rã hết, xã không còn cán bộ bất hợp pháp. Huyện điều các đồng chí: Trần Văn Tửng (Hồng Sơn), Đỗ Văn Sạng (Quốc Công), Nguyễn Văn Trực (Tư Lập)9, Sáu Trung xuống Phú Đức gầy dựng lại cơ sở. Đồng chí Quốc Công, Huyện ủy viên, làm Bí thư chi bộ, củng cố lại phong trào.

3. Cuộc khởi nghĩa 1960 ở Phú Đức

Đầu năm 1960, Nguyễn Văn Lập (Tư Lập) đến xã triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, tại nhà ông Bảy Cơ.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chi bộ Phú Đức bố trí lực lượng thành 2 bộ phận:

Lực lượng công khai gồm Quốc Hải, Tám Đoàn, Út Tửng, Quốc Thế, Diễn.

Lực lượng bí mật gồm Hồng Sơn, Sáu Hoằng, Ba Trần, Ba Hường, có đội vũ trang do đồng chí Sáu Hoằng phụ trách.

Hưởng ứng cuộc Đồng khởi đợt I, cùng với toàn tỉnh, Nhân dân Phú Đức nổi dậy lùng bắt ác ôn, đập phá cờ, bảng tố cộng.

Tháng 7 năm 1960, ngụy quyền tỉnh Bến Tre bắt thanh niên nam, nữ các xã trong tỉnh tập dượt diễu hành để đón Ngô Đình Diệm đến khánh thành khu trù mật Thành Thới (ngày khánh thành khu trù mật Thành Thới là ngày 15 tháng 7 năm 1960, có Ngô Đình Diệm dự), nòng cốt của ta đã đưa truyền đơn cho chị em phụ nữ đi diễu hành rải tại khu trù mật. Mặc dù bị địch kiểm soát gắt gao không rải truyền đơn được, nhưng nhiều chị em đã tìm cách tuyên truyền vạch trần tội ác của địch trong việc gom dân lập khu trù mật.

Lúc 15 giờ chiều ngày 20-7-1960, lực lượng mật giả vào gần bót đánh ping pong, yểm trợ bên ngoài. Đồng chí Trần Văn Hiền (Tám Đòan) và đồng chí Viễn giả vào đồn tề xã tại rạch Đình xin giấy. Tên Trưởng đồn nói: Chủ nhật mà xin giấy gì! Vừa lúc đó, hai đồng chí ta rút súng bắn chết tên Thinh, tên trưởng đồn chạy thoát. Lực lượng mật mai phục ở bên ngoài xông vào hỗ trợ thu vũ khí, san bằng đồn, giải phóng xã. Nhân dân đánh trống mõ, biểu tình, phá các bảng hiệu, bảng liên gia, các hình thức kiềm kẹp của địch.

Khoảng tháng 12-1960, địch tái chiếm, đóng lại đồn tại đình, đưa tên Lê Văn Vọng làm Trưởng đồn, Đoàn Phó Thanh làm Phó Trưởng đồn.

Trong thời gian này, tổ hành động đã diệt Chủ ấp Thân tại chợ Rạch Đình và tên hạ sĩ Quẹo (Phú Hội) có nhiều tội ác với Nhân dân.

Qua các đợt nổi dậy tấn công địch, thế và lực cách mạng không ngừng phát triển. Các đoàn thể Nông, Thanh, Phụ được củng cố và có nhiều hoạt động tích cực trong vận động quần chúng xây dựng vùng giải phóng và chống địch tái chiếm. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tháng 1-1961, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng xã Phú Đức được thành lập do đồng chí Trần Văn Nhung (Quốc Hùng) làm chủ tịch, ra mắt Nhân dân tại nhà ông Đỗ Văn Bảy, ấp Phú Hội.

(còn tiếp)

Ban chấp hành Đảng bộ xã Phú Đức