Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư, 21 Tháng 5, 2025 - 01:40

Kết quả qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Châu Thành đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai được nâng cao. Trên địa bàn huyện đã lắp 05 trạm quan trắc độ mặn gồm: Cống Vàm Nhựa (xã Giao Long); cống Cầu Chợ (xã Tân Thạch); xã Phú Túc; Cống Tre Bông (xã Tiên Thủy); cống Cả Quảng (xã Tường Đa). Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre lắp đặt trạm quan trắc độ mặn tại xã Giao Long, Quới Sơn, An Khánh, Phú Túc, Tân Phú, An Hiệp. Thường xuyên cập nhật và thông tin tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cung cấp chuyển tải qua nhóm zalo và mạng xã hội.

Công tác huy động và sử dụng nguồn lực hỗ trợ được quan tâm thực hiện. Hàng năm, huyện đã chi hàng trăm triệu đồng để xây dựng, sửa chữa các công trình, hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn gây ra đối với cây trồng, thủy sản cho người dân. Nổi bật trong năm 2022, huyện đã xây dựng hoàn thành bờ Kè chống sạt lở đê bao Tân Bắc, xã Tân Phú và cồn Dơi, xã Phú Đức, tổng chiều dài 4.599m, tổng kinh phí 43 tỷ đồng; hoàn thành nạo vét rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành 1.300m; nạo vét rạch Xếp Cò, xã Thành Triệu 2.921m; kênh Tam Dương, xã Tường Đa 1.421m; kênh Chòi Mòi, xã Tam Phước 1.230m, với tổng kinh phí đầu tư 2.715,6 triệu đồng. Thi công sửa chữa khẩn cấp các điểm sạt lở có nguy cơ vỡ bờ bao, với giải pháp xử lý dùng rọ đá gia cố bờ bao Phú Luông, xã Tân Phú 314m, bờ bao Hàm Luông, thị trấn Tiên Thủy 186m, bờ bao Định Lễ, xã Phú Đức 250m; bổ sung 3 cửa tiếp nước qua đập tạm Thành Triệu; đang thi công công trình cống Tân Phú và cống Bến Rớ thuộc dự án Jica3 về quản lý nguồn nước đầu tư. Năm 2023 triển khai dự án Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành với tổng mức đầu tư là 105 tỷ đồng. Năm 2024: Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng, chống thiên tai khác: Gia cố sạt lở Bờ bao Phú Ninh, bờ bao Định Lễ, xã Phú Đức, Khắc phục sạt lở khẩn cấp bờ bao Khánh Hội Tây, xã Tiên Thủy; cống kênh 2, xã Thành Triệu và nắp cống 4 Vinh, thị trấn Châu Thành, với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 4,5 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành tiếp tục triển khai việc chở nước miễn phí cho đến hết mùa mặn. Hiện Công ty đang có 32 điểm cấp nước ngọt miễn phí chủ yếu ở các xã Giao Long, Quới Sơn, Hữu Định và An Hóa, số lượng nước cung cấp miễn phí mỗi ngày từ 300m³ đến 450m³. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện châu thành tiếp nhận hỗ trợ nước sinh hoạt của mạnh thường quân hỗ trợ trên địa bàn huyện (Tiếp nhận bồn chứa nước từ 500 lít trở lên 89 bồn; tiếp nhận nước uống 12.070 bình; tiếp nhận nước uống chai 76.725 lốc; Tiếp nhận nước ngọt 674 khối; tiếp nhận khác 2.250 can nước loại 30 lít). Phối hợp Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận haành, khai thác 31 cống thuộc Dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 01 đầu tư để điều tiết, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện.

Vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai từng bước được nâng cao. Đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện và 16/16 xã, thị trấn. Các ban này hoạt động hiệu quả và thường xuyên được kiện toàn. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn đã triển khai và thành thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Lực lượng tham gia chủ yếu là dân quân xã và người dân địa phương với 1.679 lực lượng (trong đó 16 đội tưởng, 32 đội phó) do ban chỉ huy quân sự huyện quản lý, theo dõi.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực công tác thông tin, cảnh báo về thời tiết, thuỷ văn, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, chỉ đạo xử lý, đối phó kịp thời với thiên tai. Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, tiếp tục rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với bão, ấp thấp nhiệt đới, dông lốc và nước dâng do triều cường. Nâng cao chất lượng thông tin, cảnh báo thời tiết, thiên tai, năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Đảm bảo thông tin thời tiết, diễn biến của thiên tai được cập nhật kịp thời từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã, ấp, tổ nhân dân tự quản để mọi người chủ động phòng tránh. Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất, các công trình thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đê bao, bờ bao và các tuyến bờ bao xung yếu trên địa bàn. Đôn đốc các xã, thị trấn và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra công trình trước mùa mưa bão để có kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng. Lập kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo an toàn tuyệt đối với các tuyến đê bao, bờ bao và các tuyến bờ bao xung yếu.

Phòng Nông nghiệp và Môi trường